Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Hình tượng chú "Trâu" trong cuộc sống - Zodia Codex

“Trâu” trong cuộc sống của người Trung Quốc


Mấy ngàn năm nay, trong dân gian Trung Quốc đã mê tín tin vào sự tồn tại của “Trâu xuân”. Con trâu xuân trong truyền thuyết cao 4 thước, dài 8 thước * (Một thước cổ của Trung Quốc = 0.3333mét), tượng trưng cho bốn thời tám tiết. Trong những hoạt động đón xuân tổ chức vào ngày lập xuân thời xưa, trâu xuân là vật không thể thiếu. Con trâu xuân được làm bằng giấy hay đất. Người ta khiêng con trâu xuân lên trong lễ tổ chức các hoạt động vui chơi dân gian như biểu diễn nghệ thuật dân gian, bài ca cấy lúa, rước đèn rồng, đi cà keo, chèo thuyền … mà tục gọi là “Diễn xuân”. Cao trào của những hoạt động đón xuân này là “Roi quất trâu xuân”. Người dẫn đầu đoàn lễ vừa dùng roi quất “con trâu xuân” vừa đọc lời cầu chúc an lành. Lời chúc xuân của huyện Hải Long tỉnh Cát Lâm: “Nhất đả phong điều vũ thuận, nhị đả địa phì thổ huyên, tam đả tam dương khai thái, tứ đả tứ quí bình an, ngũ đả ngũ cốc phong đăng, lục đả lục hợp đồng xuân, thất đả thất tinh cao chiếu, bát đả bát tiết khương ninh, cửu đả cửu cửu qui nhát, thập đả thiên hạ thái bình.” Đả xuân từ của vùng núi Trường Bạch: “Tay giơ dây roi quất trâu xuân, quất trâu mau mau xuống ruộng đồng, quất cho hôn quân chẳng dám ló đầu ra.” Ngoài ra, trước và sau ngày lập xuân, nhà nông còn có tục treo tranh trâu xuân. Tranh vẽ một con trâu, một người Mang đồng (đại diện cho Mang thần), Mang đồng tay cầm thanh liễu làm roi, có khi đứng bên cạnh trâu, khi ngồi trên lưng trâu, với ngụ ý bắt đầu vào vụ mùa xuân, cũng có những bức tranh trâu xuân còn viết thêm dòng chữ “Tân xuân đại cát”, “Thiên hạ thái bình”.


Trong dân gian còn có ngày sinh nhật trâu. Tùy từng địa phương có sự khác nhau, nhưng đa số là vào ngày mùng 8 tháng 4. Vào ngày này, trâu được nghỉ một ngày không ra ruộng, được đãi ngộ tốt nhất, ăn thức ăn “bổ nhất” mà ngày thường không được ăn. Dân tộc Động còn có tục cúng tế thần trâu bên chuồng trâu, dân tộc Bu-y thì tổ chức đấu bò, cúng tế thần mạ và thần trâu, dân tộc Choang thì dùng lá gói bánh nếp, mời bà con bạn bè đến dự để cùng chúc mừng, nhiều dân tộc còn gọi ngày này là ngày “Lễ Ngưu Vương”.


Ngoài việc mừng ngày sinh nhật của trâu, các nơi còn có các ngày lễ trâu khác nhau. Vùng Hải Châu tỉnh Giang Tô có “Lễ hội Ngưu lang”; dân tộc Choang tổ chức “Lễ hồn trâu” vào ngày mùng 8 tháng 4; dân tộc Động ở huyện Dung Giang tỉnh Quế Châu có “Lễ tắm trâu” vào ngày 6 tháng 6, mọi người giết gà mổ vịt để ăn mừng, lấy cánh gà lông vịt cắm lên chuồng trâu để tẩy trần mừng đón trâu, chúc cho trâu cày được bình an; dân tộc Miêu vùng Kim Bình tỉnh Vân Nam có tục “Trát sừng trâu” vào ngày mùng 1 tháng 10 âm lịch, vào ngày này, trẻ con dùng bánh nếp nướng trát đầy sừng trâu rồi cắm 2 trái ớt lớn lên. Người ta cho rằng khi con trâu mang trên sừng bánh nếp nướng và ớt đi uống nước nhìn thấy bóng mình dưới nước, sẽ biết được chủ nhân rất nhớ ơn nó.


Những lễ hội như trên chủ yếu để cảm ơn sự cần mẫn, khó nhọc và công lao của con trâu, thể hiện rất chân thật quan hệ mật thiết giữa con người với con trâu trong cuộc sống hiện thực.


Ngoài ra, dân gian các vùng còn thờ cúng “Ngưu Vương” để cầu con cầu tự, xua đuổi ma quỉ, phòng trị bệnh tật ……


Con trâu chẳng những cần cù nhẫn nại, mang đến ấm no cho con người, mà với sự cần cù nhẫn nại và tinh thần cống hiến đó còn mang đến cho con người một tài sản tinh thần vô giá, một sự hưởng thụ về cái đẹp và sức tưởng tượng nghệ thuật vô tận.


chinese zodiac sign ox by rika dono d4rpr33 225x300 Hình tượng chú Trâu trong cuộc sống


Trong dân gian cũng sáng tác nhiều điệu múa trâu rất phong phú đa dạng. Theo như những giới thiệu trong “Lĩnh Nam phong tục lục” của Diệp Xuân Sanh, từ vùng làng mạc của phía bắc đến vùng núi phía tây tỉnh Quảng Đông, đều có truyền thống biểu diễn các điệu múa trâu xuân trong dịp lễ hội mùa xuân. Những điệu múa này đơn giản sâu sắc vui nhộn, mang đậm nét nông thôn. Khi biểu diễn điệu múa trâu xuân còn đi kèm với những điệu hát trâu xuân đặc sắc với nội dung bình dị, tình cảm chân thật, làn điệu du dương.


Con trâu đi vào trong tác phẩm văn học cũng đã có từ xưa. Lưu Nghĩa đời Đường có bài “Đại ngưu ngôn” (Nói lời thay trâu): “Khát ẩm Dĩnh Xuyên thủy, ngã suyễn Ngô Môn nguyệt, hoàng kiên như khả chủng, ngã lực chung bất yết” (Khi khát uống nước sông Dĩnh Xuyên, lúc đói ném ánh trăng Ngô Môn, bạc vàng nếu có mang trồng được, sức tôi dù mấy cũng vẫn kham). Lời thơ bộc bạch hết sự cực nhọc không hề tính đến công sức của con trâu. Lý Cương đời Tống có bài “Bệnh ngưu”: “Canh lê thiên mẫu thực thiên tương, lực tận cân bì thùy phục thương? Đán đắc chúng sinh giai đắc bão, bất từ luy bệnh ngọa tàn dương.” (Cày lấy ngàn mẫu thóc đầy bồ, sức cùng lực kiệt ai có hay? Chỉ mong chúng dân được no đủ, thân này bệnh hoạn có xá chi.) Hai câu thơ đầu nói lên sự bất bình, thương cho trâu làm lụng vất vả, khi đau bệnh chẳng ai hỏi han đến. Hai câu thơ cuối nói lên ý chí tinh thần và lý tưởng mà con trâu theo đuổi đã tìm thấy nhau, trở thành một hoài bão cống hiến tận tụy đến hơi thở cuối cùng cũng không hề hối tiếc. Tống Vô Tác đời Nguyên có bài “Lão ngưu”: “Thảo thằng xuyên tị hệ sài phi, tàn suyễn vô nhân vấn thị phi. Xuân vũ nhất lê tiên bất động, tịch dương không tống mục nhi qui.” (Một dây dắt mũi buộc cửa sài, hơi tàn lê cày ai có hay. Mưa xuân chợt đến cày bất động, tà dương lẻ bóng mục đồng về). Bài thơ tràn đầy nỗi thê lương, con trâu già suốt đời cực khổ cho đến lúc hơi tàn vẫn còn phải tiếp tục kéo lê chiếc cày, cuối cùng kiệt sức chết giữa cánh đồng mùa xuân, đứa trẻ chăn trâu trở về nhà một mình trong ánh tà dương, bài thơ đã bộc lộ nỗi niềm thương tiếc vô cùng của nhà thơ đối với con trâu già.


Do tính trầm lặng căm cụi của con trâu mà người ta cho là có ngu dốt vụng về, vì vậy, người ta ví nói chuyện đạo lý với người ngu đần là “Đàn gãi tai trâu”, ví việc không phân biệt người tốt kẻ xấu là “Ngưu kí cộng tế”, ví kẻ chuyên làm điều xấu là “Ngưu ma sà thần” ví người làm nô lệ cho kẻ khác là “Làm trâu làm ngựa” ví sức người không kham nổi là “Trâu già kéo xe”. Nhiều lúc con người coi con trâu như con vật không thông minh, vụng về, nhưng cũng có lúc được coi là “Kẻ khôn vờ dốt”, nó là con vật đạt đến mức siêu phàm xem nhẹ danh lợi, không ganh đua với đời. Trong “Nhân thiên” của “Luận ngữ”, Khổng Tử đã mong muốn con người có thể không màn công danh như con trâu, có sức thì cố mà cày cấy, không tự kiêu khoe khoang kể công, có lẽ đây là lý do vì sao khi cúng tế Khổng Tử yêu cầu phải có trâu. Con trâu là tượng trưng cho trí tuệ, vì vậy, những người có học thời xưa thường hay tranh nhau nhổ lông trên mình con trâu cúng tế và gọi đó là “lông trí tuệ” để cầu mong có được trí tuệ hơn người. Tương truyền Hoàng Đế “Phục ngưu thặng mã”, Lão tử cười trâu xanh ra thành, đều là những ẩn dụ của văn hóa triết học trâu. Hầu như toàn bộ cơ thể con trâu đều đã đi vào từ ngữ sử dụng thông thường trong cuộc sống người Trung Quốc. Thời xưa, khi các chư hầu liên minh nhau, người chủ minh ước mới có quyền lấy máu tai trâu để minh thệ, do đó, “nắm tai trâu” trở thành đại danh từ của “quyền uy”. Người ta chê cười kẻ phàm ăn là “bụng trâu”, người phàm uống là “uống như trâu”, tính tình ương ngạnh bướng bỉnh là “tính khí như trâu”, hay khoe khoang khoác lác là “thở da trâu”, không tương thích là “đầu trâu không khớp với mồm ngựa”, hay cố chấp đi vào chỗ bế tắc là “chui vào sừng trâu”, gọi kẻ sĩ cơ hàn là “ngưu y” (áo trâu), ví người ngạo mạn vênh váo là “ngưu khí”.


Trong dân gian lưu truyền nhiều tục ngữ, yết hậu ngữ có liên quan đến trâu. “Con bê vừa lọt lòng chẳng sợ hổ”, “Cắt tiết gà há phải dùng đến dao mổ trâu”, “Bò kéo cối xay, tuy chậm nhưng khéo”, “Trâu đất xuống biển, chẳng thấy tăm hơi”, “Người tuổi trâu, không biết uyển chuyển, chuyên kéo vật nặng”, “Bê con uống sữa, chẳng biết trời cao đất rộng”, “Bê con kéo xe, cứ thế mà chồng vào”, “Trâu xuân trên tường, lê (kéo cày) sao được”…



Hình tượng chú "Trâu" trong cuộc sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét